Cộng đồng doanh nghiệp - trái tim của nền kinh tế bị “trọng thương”

QĐND Online – Đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổng công ty, tập đoàn, đời sống, việc làm của hàng trăm nghìn người lao động của cả nước. Ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là khối doanh nghiệp ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, dệt may… Cộng đồng này được coi như là trái tim của nền kinh tế, xương sống của nền kinh tế nhưng đã và đang bị “chấn thương” nặng nề. Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã tìm hiểu và ghi nhận thông tin, ý kiến từ các doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp nhà nước - nhiều “quả đấm thép” rơi vào cảnh “bó tay”

Số liệu thống kê từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong tháng 2-2020, dựa trên báo cáo của 22/63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Còn theo thống kê của TP Hà Nội, có 1.298 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với hơn 34.000 người lao động mất việc làm, thiếu việc làm. Một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Cắt giảm thu nhập đối với người lao động là việc "cực chẳng đã" với các doanh nghiệp khi phải chống chọi với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Ngày 1-4 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, cập nhật ảnh hưởng, tác động thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra đối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bản báo cáo nhận định, một số doanh nghiệp đang phải chịu “tác động kép”, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty 3 tháng đầu năm 2020 giảm 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Có tới 7/19 tập đoàn, tổng công ty không cân đối được thu chi, tổng số lỗ hơn 3.700 tỷ đồng.

Cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng doanh thu quý I của VNA ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài đến hết quý IV năm nay, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), báo cáo cho biết tổng doanh thu quý I-2020 của ACV ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid -19.
Trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề khác là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay, các công ty cổ phần vận tải đường sắt đã đề nghị dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Trong quý I-2020, doanh thu vận tải hành khách của VNR dự kiến đạt 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và ước lỗ 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ - VNR có doanh thu giảm từ 700 đến 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm, lỗ từ 694 đến 935 tỷ đồng tùy theo thời điểm kết thúc dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, nếu dịch bệnh kéo dài và giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm tới gần 280.000 tỷ đồng, sẽ có 8/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ với tổng số lỗ hơn 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước giảm 32.836 tỷ đồng.

Nguồn thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô có thể giảm từ hơn 3.000 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết quý I-2020, doanh thu giảm hơn 13.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Khảo sát mức độ ảnh hưởng doanh thu và nhân sự của doanh nghiệp trong đại dịch Covid -19.
Còn với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), quý I-2020, doanh thu của tập đoàn ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng; ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Số tiền nộp ngân sách dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nếu dịch kéo dài tới quý IV-2020. Theo Petrolimex, nguyên nhân của tình trạng này là do giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn trong quý I-2020, dẫn đến giá vốn tồn kho của tập đoàn tăng mạnh.